Thứ Tư, 3 tháng 10, 2018

Nét văn hóa truyền thống tinh tế của phố cổ Đồng Văn

Nhắc đến Hà Giang có lẽ chúng ta nghĩ ngay đến hoa Tam giác mạch- những cánh đồng hoa bạt ngàn với sắc trắng- hồng hòa quyện với nhau tạo nên sự lãng mạn như trong các bộ phim Hàn Quốc… Nhưng có lẽ chúng ta đã quên rằng, Hà Giang đẹp không chỉ có thế. Hà Giang đẹp ở bất kì mùa nào trong năm, một vẻ đẹp rất riêng toát lên từ sự hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng và đẹp bởi những địa danh thuộc về nó. Một trong những địa điểm mà du khách du lịch Đồng Văn không thể không tới khi đến Hà Giang đó là Phố cổ Đồng Văn.


Thị trấn Đồng văn nằm trên cao nguyên đá ở độ cao trung bình từ 1.000- 1.600m so với mặt nước biển, cách TP.Hà Giang 160km. Ở đây có một khu phố và chợ cổ có lối kiến trúc hàng trăm năm tuổi mà vẻ đẹp cổ kính, thâm trầm của nó đã làm du khách như trút hết mệt mỏi sau khi vượt những chặng đường dài để đến với Đồng Văn.

Khu phố cổ Đồng Văn, nằm trong quần thể du lịch Hà Giang, được hình thành và xây dựng từ đầu thế kỷ XX xưa thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Yên, tỉnh Tuyên Quang. Sau đó tách nhập vào châu Bảo Lạc do một thổ ty  người Tày họ Nông cai quản như một lãnh địa riêng. Thuở ban đầu chỉ có vài gia đình người Tày, người Hoa và người Mông sinh sống. Đến thập niên 40 – 50 có thêm người Kinh, Dao và người Nùng … đến cư ngụ, ngày nay Phố Cổ Đồng Văn được du khách đặc biệt yêu thích và là điểm đến không thể thiếu trong các chương trình Tour Du Lịch Hà Giang.

Không giống như những phố cổ Hà Nội hay Hội An, sương và gió nơi địa đầu vùng đất của tổ quốc đã tạo nên sự khác biệt không thể sao chép của phố cổ Đồng Văn – Hà Giang. Chiếm đa số trong khu phố cổ là những ngôi nhà trình tường bằng đất với mái lợp ngói âm dương, nền và bậc cửa lát đá xanh. Cửa ra vào và trần được làm bằng gỗ tấm, trước cửa nhà có treo nhiều câu đối viết trên giấy đỏ. Các ngôi nhà ở khu phố cổ Đồng Văn thường có kiến trúc theo kiểu chữ tam với ba ngôi nhà nối tiếp nhau, lối đi giữa các nhà có mái che tránh mưa nắng. Cả phố đều quay về hướng Nam nên mùa đông ấm áp còn mùa hè thì lại rất mát mẻ. Bên cạnh sự phát triển của kiến trúc hiện đại đang thay đổi từng ngày, những bức tường đất, những chiếc cầu thang, hàng lan can gỗ đã ngả màu, những ngôi nhà lợp mái ngói âm dương…tất cả như đang thách thức với thời gian. Đặc trưng nữa dễ nhận thấy ở đây là trước cửa nhà có đèn lồng treo cao để thắp lên khi đêm xuống, xua đi cái lạnh buốt khắc nghiệt của Cao nguyên đá.


Bức tranh về khu phố cố được thể hiện trên nhiều gam màu, thay đổi theo từng cung bậc thời gian trong một ngày. Buổi sáng, bức tranh độc đáo ấy được pha trộn tài tình bởi hai tông màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ. Không gian im lìm trong sương sớm như được đánh thức bởi ánh sáng, âm thanh náo nhiệt và những sắc màu rực rỡ trong trang phục của đồng bào người Mông, Hoa, Ráy, Tày, Nùng, … Khi trời đất ngả chiều, sự yên bình cố hữu lại bao trùm khu phố cổ giữa lòng cao nguyên đá. Đêm đến, trong ánh sáng lờ mờ từ những chiếc đèn dầu, đâu đó lại phát ra âm thanh quen thuộc của tiếng kèn môi của các chàng trai Mông gọi bạn tình.Vào những đêm cuối tuần, không gian trong các quán chợ lại rộn ràng hơn với những bài hát dân ca, điệu múa giao duyên của các chàng trai, cô gái từ các bản tập trung về đây. Đến mảnh đất này vào những ngày tháng 10, tháng 11, du khách tour du lịch Hà Giang sẽ được cảm nhận sự chuyển giao 4 mùa trong một ngày. Hà Giang quyến rũ lòng người không chỉ bởi cảnh sắc mà còn vì sự trong lành và yên bình mà nơi đây mang lại. Cái tiết trời se lạnh vào buổi tối tháng 10 khiến những cái ôm của các cặp đôi thêm siết chặt nhưng không vì thế mà những người “ một mình” lại cảm thấy cô đơn. Được nhâm nhi cốc cà phê nóng hổi nghi ngút khói tại phố cổ, cảm nhận được cái tĩnh lặng trong không gian, hít hà không khí trong lành nơi đây, bạn tìm được cho mình sự thảnh thơi, bình yên đến lạ trong tâm hồn.

Vào tháng 3 ngày 14, 15 và 16 âm lịch, khi những “đêm phố cổ” đến, các ngôi nhà trong phố cổ đồng loạt treo đèn lồng đỏ, trưng bày các sản phẩm truyền thống như thổ cẩm, trình diễn văn hóa văn nghệ, bán và thưởng thức bát thắng cố, uống rượu ngô và cùng trò chuyện với kì vọng thu hút khách di lịch giống như cách người Hội An đã làm. Các hoạt động cứ thế diễn ra, vừa quen vừa lạ, nhưng rất độc đáo, tạo thêm một điểm nhấn cho khu phố cổ Đồng Văn.

Nằm trên địa bàn hai thôn Quyết Tiến và Đồng Tâm, phố cổ Đồng Văn có khoảng 40 ngôi nhà cổ loại trên dưới 100 tuổi nằm xếp vào nhau dưới núi đá. Những dãy cột đá lớn được trạm trổ khá lạ mắt, vững chãi và rộng lớn, có kết cấu hình chữ U, tạo nên một khu chợ rộng rãi giữa vùng dân cư.


Khu chợ Đồng Văn không chỉ là nơi giao thương của đồng bào các dân tộc trong vùng, mà hơn thế nữa, vào các phiên chợ, nơi đây như đang tổ chức lễ hội. Chợ phiên Đồng văn họp vào các Chủ Nhật hàng tuần. Vì vậy mà cứ các tối thứ 7 trước phiên chợ, từng đôi trai gái người Mông, Dao, Giấy... lại đưa nhau về đây dạo chơi, thổi khèn uống rượu và hát múa; vào mùa đông khí hậu khắc nghiệt, từng nhóm thanh niên đốt lửa và quây quần bến đống lửa. Nét giao thoa tinh tế, độc đáo của kiến trúc Việt – Hoa được xây dựng trong khoảng từ những năm 1925 – 1928, khu chợ Đồng Văn như một nét vẽ đẹp và ấn tượng trong lòng cao nguyên.Với nét đặc trưng vốn có, những nét đẹp trong nền văn hóa truyền thống đa sắc màu, kiến trúc của người dân phố cổ Đồng Văn đã tạo nên điểm nhấn ấn tượng và độc đáo trên vùng Công viên địa chất – cao nguyên đá Đồng Văn.

Nếu bạn muốn rời xa những bon chen, bộn bề của cuộc sống nơi thủ đô, hãy đến đây, thả hồn vào hoa, gió, núi rừng…bạn sẽ thấy yên bình và hạnh phúc đến lạ, một cảm giác mà bạn không tìm ở đâu có được!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét