Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

Đặc sắc văn hóa lễ hội làng Thanh Am


Ở Thanh Am còn có lễ hội rước nước, là một loại hình văn hoá truyền thống, có sức cuốn hút đông người tham gia và trở thành nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Cùng Du Lịch Việt Nam tìm hiểu về lễ hội làng Thanh Am ngay nhé.

Làng Thanh Am thuộc xã Thượng Thanh, Huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đây là một làng Việt cổ ở ven đô, kề bên sông Đuống, Xưa kia vẫn thường gọi tên nôm là làng Đuống. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, dân làng lại tổ chức lễ hội làng Thanh Am - một sinh hoạt văn hoá truyền thống có sức cuốn hút nhiều người tham gia đặc biệt là du khách đi du lịch lễ hội, và lễ hội đã dần trở thành nhu cầu lớn trong đời sống tinh thần của nhân dân. 

Lễ hội làng Thanh Am


Hội làng Thanh Am thường tổ chức trong ba ngày, từ mồng 9 đến 10 tháng ba, ngày mồng 10 là chính hội. 

Ngày mồng 9: Việc đầu tiên là nghi lễ rước nước. Mọi người tề tựu đông đủ, ăn mặc chỉnh tề, thái độ trang nghiêm. Theo tuần tự, cờ thần đi trước, đội “a dứ” tiếp sau. Đội này gồm 4 hoặc 8 thanh niên mặc quần áo trắng, thắt khăn xanh đỏ ngang lưng, tay cầm cờ đuôi nheo ngũ sắc, chạy ngược chạy xuôi rồi chạy vòng cung, phất cờ từ trái sang phải và ngược lại, miệng hú “a dứ”. Sau đội “a dứ” đến hàng bát bửu, rồi đến trống chiêng mở đường cho kiệu thánh đi. Sau kiệu có đội nữ mặc áo thụng xanh hay hồng, đầu đội khăn xếp rộng màu vàng, lưng thắt khăn màu bỏ múi ra bên, vừa đi vừa múa sênh tiền khá yểu điệu và duyên dáng. Đi tiếp sau là cụ tiên chỉ làng (hay cụ từ) trong lễ phục màu đỏ, đội mũ tế, chân đi hia trong lễ hội làng Thanh Am. Tiếp nữa là đại biểu của hai làng kết chạ (Lê Xá và Cống Thôn) rồi đến các vãi và trai tráng trong làng đi thành hàng đôi dài hơn cây số. Nơi xuất phát là đình, đi vòng qua nửa làng lên đê, dọc theo đê một đoạn dài, rồi dừng lại nơi có cắm sẵn lá cờ thần và có một chiếc thuyền gỗ có trang trí những dải lụa đỏ quanh thuyền đã neo đợi từ trước. Pháo lệnh nổ, cờ dàn ra hai bên, kiệu thánh dừng. Chiêng trống dồn dập. Cụ tiên chỉ thong thả bước xuống thuyền, hai trai làng khênh một chiếc choé có phủ vải điều bước theo xuống. Pháo lệnh nổ, thuyền chèo ra giữa sông và đi ngược lên một đoạn, chọn nơi dòng nước trong thì dừng lại. Một tràng pháo tép được đốt lên, vang trên mặt sông, khói lan toả quyện vào làn sóng. Dứt tiếng pháo, cụ tiên chỉ khoan thai múc từng gáo nước đổ vào choé bằng gốm sứ Bát Tràng. Khi choé đã đầy nước thì đậy nắp và lại phủ vải điều lên trên. Thuyền quay mũi chèo về cập bến và trai làng lại khênh lên bờ đặt vào kiệu. Đoàn rước nước lại tề chỉnh như ban đầu tiếp tục rước về đình làng là nơi xuất phát. Về tới đình đã 9 - 10 giờ sáng, kiệu đặt ngoài sân trước cửa đình có tàn lọng che. Riêng choé nước được rước vào chính tẩm. Sau khi hai đội nam và nữ lần lượt vào hành lễ trong lễ hội làng Thanh Amxong đến các đội khác như đội a dứ, đội sênh tiền, đội nhạc lễ và bà con thập phương. Lại nói về choé nước được cụ thủ từ trịnh trọng rót ra bình nhỏ và đổ vào các chén nhỏ để cúng còn lại dùng vào việc “mộc dục”, tức là tắm rửa lau chùi các tượng thánh và ngai thờ (tượng thánh thực ra mới có về sau do các dòng họ trong làng và thập phương công đức, phỏng theo hành trạng của vị thánh mà tạo tượng một cách ước lệ). Lễ rước như vậy là hoàn tất vào trước ngàylễ hội làng Thanh Am chính. Phong tục rước nước này cũng là phong tục chung phổ biến của cư dân nông nghiệp, ẩn chứa điều mong muốn, niềm khát khao ngưỡng vọng thiên địa thần linh cho mưa thuận gió hoà, nước nôi đầy đủ để hoa màu tươi tốt, cây lúa sai hạt nặng bông, mùa màng bội thu, cuộc sống ngày thêm no đủ thịnh vượng.


Ngày mồng 10 vào chính lễ hội. Suốt ngày hương khói nghi ngút. Đội nữ làm lễ dâng hương rồi đến đội nam tế. Sau 2 đội này là các “chạ” anh vào tế và thập phương vào cúng vái… Theo kinh nghiệm du lịch Hà Nội, điều đặc biệt ở Thanh Am là có nữ dâng hương đầu tiên mà xưa kia ít nơi có bởi quan niệm phong kiến khắt khe “nữ nhân bất đáo đình trung”. Hỏi ra mới biết, nơi đây còn thờ 2 tướng của Hai Bà Trưng là Đào Kỳ và Đào phu nhân (Phương Dung công chúa); vì có nữ tướng nên nữ giới mới được quyền tham dự tế lễ như ta đã thấy. Các dòng họ cũng đội xôi gà ra lễ thần thánh, lễ xong đem về các nhà trưởng họ chia lộc hay thụ lộc tại đấy. Chiều và tối chủ yếu là trò vui. Trong đình có chiếu chèo hoặc diễn tuồng. Hai loại hình nghệ thuật trong dịp văn hóa lễ hội ở Hà Nội đặc biệt này thu hút được phần lớn các cụ, các ông, các bà mà chưa hấp dẫn được đông đảo thanh thiếu nhi lắm, nên có năm ban tổ chức lễ hội đã xin phép các cụ cao niên trong làng mời đoàn quan họ Bắc Ninh về biểu diễn, hát trên thuyền rồng bơi trước ao đình để bà con ngồi đứng quanh sân cùng thưởng thức và tự động thưởng cho các nghệ nhân.

Ngoài quan họ, xưa kia theo người già kể lại còn tổ chức kéo co, thả vịt dưới ao cho trai làng đuổi bắt, hoặc các vùng khác đem gà đến chọi… Lại còn trai gái các làng phụ cận đêm kéo đến xem hội, vừa có dịp để chưng diện những bộ cánh sang trọng hòng lọt “mắt xanh” các cô nàng. Họ đến đây vui chơi thoải mái không bị bố mẹ rầy la, lại là cơ hội tìm bạn tâm tình qua những câu chuyện vui hay khúc hát giao duyên.


Hội làng Thanh Am xưa là thế đó. Nay thời thế đã thay đổi, trai gái làng không tìm hiểu nhau qua câu đối đáp xa xưa. Thay vào hát ví là hát những bài tình ca mới hoặc những bài thơ tự biên tự diễn… Lớp trung niên thì ham thi đấu cầu lông và biểu diễn Thái cực quyền, lớp các cụ cũng bỏ tổ tôm, tài bàn, xóc đĩa để vui với cờ tướng và xem video, trẻ em thì thích chơi điện tử và đá bóng…

Lễ làng Thanh Lam vừa giữ được truyền thống xưa vừa có chiều đổi mới mà vẫn vui, vẫn lành mạnh, vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét