Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Những điểm lễ tạ cuối năm linh thiêng của miền Bắc

Vào thời điểm cuối năm, nhiều gia đình đi tạ lễ cuối năm ở những địa danh họ từng xin lộc đầu năm. Để tạ lễ linh thiêng, bạn nên đến những địa danh nổi tiếng sau.

Đền Bà Chúa Kho

Cách Hà Nội 25 km, đền Bà Chúa Kho nổi tiếng linh thiêng về cầu làm ăn buôn bán. Năm hết, hàng ngàn người đã đến vay bà Chúa đầu năm lại đến làm lễ để trả lễ. Các quầy viết sớ, sắm lễ ở đây luôn trong tình trạng đông cứng người.


Tương truyền, bà Chúa Kho là người phụ nữ nhan sắc tuyệt trần, lại khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong và sau chiến thắng Như Nguyệt (1076), có công chiêu dân dựng lập làng xóm vùng Quả Cảm, Cô Mễ, Thượng Ðồng, giúp mọi người khai khẩn đất đai nông nghiệp...

Sau này bà trở thành hoàng hậu (thời Lý), giúp nhà vua trong việc kinh bang đất nước, giữ gìn kho lương. Bà bị giặc giết trong lúc phát lương cứu đỡ dân làng. Cảm kích đối với tấm lòng bao dung của bà, nhà vua đã có chiếu phong bà là Phúc Thần. Nhân dân Cô Mễ nhớ ơn và lập đền thờ ở vị trí kho lương trước kia.

Đền Bà Chúa Kho Bắc Ninh toạ lạc trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cô Mễ, xã Vũ Ninh, TP bắc ninh. Đây không chỉ là khu di tích lịch sử có giá trị nằm trong quần thể di tích của khu Cô Mễ (gồm: Đình - Chùa - Đền) mà còn là nơi hàng năm nhân dân khắp cả nước hành hương mang tính tín ngưỡng.

Đền Chúa Thác Bờ

Đền nằm trong khu vực Thác Bờ giữa dòng sông Đà thuộc xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc. đền Bờ gồm có đền Trình (đền Chúa) và đền Chầu (đền ông Chẩu). Trên đền thờ hội đồng các quan, thờ Đức Đại Vương Trần Triều, thờ Chúa Thác Bờ và thờ Sơn Trang, nhưng chủ yếu vẫn là thờ hai bà Chúa Thác người Mường và người Dao.


Tương truyền, Đền Bờ thờ bà chúa Thác Bờ là Đinh Thị Vân người dân tộc Mường và một bà người dân tộc Dao ở Vầy Nưa lo liệu quân lương, thuyền mảng (không rõ tên). Hai bà đã có công giúp vua Lê Lợi về quân lương, thuyền mảng vượt thác Bờ tiến quân lên Mường Lễ, Sơn La dẹp loạn đảng Đèo Cát Hãn.

Sau khi mất, 2 bà thường hiển linh giúp dân vượt thác an toàn, phù hộ cho trăm dân trong vùng mưa thuận, gió hoà nên nhân dân đã phong 2 bà làm thánh và lập đền thờ phụng. Đền thờ cũ chìm dưới hàng chục mét nước của thuỷ điện Hoà Bình. Đền thờ ngày nay được lập bên trên nền của đền thờ cũ, lúc nào cũng tấp nập khách thập phương đến hành lễ.

Đền Bảo Hà

Đền Bảo Hà là khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia, thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Đền thờ thần vệ quốc Hoàng Bẩy, một anh hùng miền sơn cước đánh giặc phương Bắc bảo vệ bản làng.

Chỉ cách thành phố Lào Cai khoảng 60 km về phía nam, giao thông thuận tiện, lại nổi tiếng linh thiêng nên Đền Bảo Hà thu hút rất đông du khách đền ông Bảy Bảo Hà Lào Cai cúng bái đầu xuân và tạ lễ cuối năm.

Đền Bảo Hà nằm tựa lưng vào núi Cấm, mặt hướng ra dòng sông Hồng, tạo nên quang cảnh trên bến dưới thuyền tuyệt đẹp.

Phủ Tây Hồ

Phủ Tây Hồ thờ Bà chúa Liễu Hạnh, được coi là một trong những chốn linh thiêng trong hệ thống đình chùa Hà Nội, thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, cách trung tâm thủ đô khoảng 4 km về phía tây.


Không chỉ người dân mà du khách thập phương muốn cầu tài, cầu lộc đều tìm về phủ Tây Hồ. Đến dịp cuối năm, Phủ Tây Hồ lại đông như trẩy hội với dòng người hành hương trả lễ.

Đền Bắc Lệ

Đền Bắc Lệ thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, là nơi thờ bà chúa Thượng Ngàn. Đây là một trong hai ngôi đền thờ Mẫu nổi tiếng miền Bắc. Cách thị trấn Hữu Lũng khoảng 10 km, đền nằm trên đồi cao, dưới bóng những cây cổ thụ hàng trăm tuổi.

Cũng giống như bất cứ ngôi đền thờ Mẫu nào, đền Bắc Lệ thờ Công đồng tứ phủ và các Chư Linh ở bốn miền vũ trụ.

Trải qua bao tháng năm, mưa nắng, ngôi đền đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được nét đẹp của kiến trúc xưa và những di vật cổ có giá trị. Các hàng cột bằng gỗ liền khối vẫn còn giữ nét nguyên sơ tạo thêm cho đền sự ấm cúng, linh thiêng.

Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2018

Phát huy các giá trị truyền thống trong mùa lễ hội 2018

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo như vậy khi cùng đoàn công tác của trung ương kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ hội Đền Trần tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định ngày 26/1.

Biểu dương công tác chuẩn bị của tỉnh Nam Định và Ban tổ chức Lễ hội Đền Trần năm 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các đơn vị liên quan tổ chức Lễ hội trên tinh thần giữ gìn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa lễ hội, phòng chống cháy nổ.


Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng có phương án phân luồng, hướng dẫn các phương tiện trong thời gian diễn ra Lễ hội để tránh xảy ra ùn tắc cục bộ Quốc lộ 10 đoạn qua Đền Trần; kiểm soát chặt chẽ các loại hình dịch vụ, không để xảy ra tình trạng tăng giá, lợi dụng thời điểm đông người để nâng giá thu lợi bất chính hay chèn ép du khách tour du xuân 2018. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, Ban Tổ chức lễ hội cần đảm bảo lượng ấn, bố trí các điểm phát ấn và thời gian phát ấn phù hợp, tạo thuận lợi cho người dân, du khách về xin ấn, tham gia lễ hội, tránh để xảy ra tình trạng xô đẩy, chen lấn tranh cướp ấn, tạo hình ảnh không đẹp.

Trao đổi với ông Trần Huy Chiến - Tổ trưởng Tổ Từ đền di tích lịch sử Đền Trần - chùa Tháp, Phó Thủ tướng lưu ý cần có giải pháp khắc phục những biểu hiện biến tướng, không để đồng tiền chi phối những giá trị truyền thống tốt đẹp trong lễ hội. Lễ khai ấn Đền Trần năm nay sẽ được thực hiện vào giờ Tý (23 giờ ngày 14 tháng Giêng). Lễ phát ấn sẽ được thực hiện vào sáng 15 tháng Giêng cho đến hết tháng Giêng theo nhu cầu của du khách dự hội đền Trần Phủ Giày Nam Định

Kiểm tra công tác tổ chức và quản lý lễ hội tại Chùa Hương (Hà Nội), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao công tác tổ chức Lễ hội chùa Hương 2017 trong vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Phó Thủ tướng cho rằng, trong mùa lễ hội năm 2018, địa phương cần phát huy các mặt đã làm tốt, hạn chế những tồn tại của mùa lễ hội trước.  

Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

Khám phá lễ khán hoa chùa Phật Tích

 Mùng 4 Tết hàng năm hàng vạn du khách tour lễ hội 2018 thập phương tấp nập về chùa Phật Tích (xã Phật Tích - huyện Tiên Du – tỉnh Bắc Ninh) dự lễ hội Khán hoa mẫu đơn.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Trụ trì chùa Phật Tích, Phó Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Phật Tích tỉnh Bắc Ninh cho biết: Đi chùa lễ phật đầu năm là nét văn hóa của người Việt Nam, mọi người đến chùa cầu nguyện năm mới an lành sức khỏe, công việc hanh thông, cầu gia đình an khang thịnh vượng.


Trong những ngày diễn ra lễ hội, lực lượng quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên mở các đợt thanh, kiểm tra đột xuất nhằm kiểm soát giá cả, an toàn thực phẩm tại lễ hội. Đặc biệt, trong không gian lễ hội, ban tổ chức nghiêm cấm các hình thức hát quan họ ngửa nón nhận tiền, hát nhạc mới dưới mọi hình thức, hát văn, nhảy đồng; các trò chơi điện tử xiếc, mô tô bay, các trò chơi dùng loa nén, loa máy công suất lớn gây ảnh hưởng không gian lễ hội; nghiêm cấm việc bán hàng, kinh doanh trên sân chùa, sau khu vực Cổng Tam quan, dọc đường bậc thang từ sau chùa lên núi Phật Tích.

Theo thường lệ, hội chùa Phật Tích được tổ chức từ ngày 3 đến ngày 5 Tết hàng năm, trong đó ngày 4 là chính hội. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu năm mới, hàng vạn du khách thập phương đã tấp nập đổ về chùa Phật Tích lễ phật cầu an khiến giao thông vào chùa, các lối lên chùa, tháp chuông, đại phật tượng A di đà đều trật kín người. Lễ hội năm nay gồm có phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ gồm hoạt động dâng hương tại những nơi thờ tự, tín ngưỡng, tổ chức Pháp hội đại bi cầu Quốc thái dân an, cầu bình an cho nhân dân, phật tử vào tối ngày mùng 5. Trong những ngày diễn ra lễ hội thường xuyên diễn ra các chương trình biểu diễn quan họ trên thuyền, giao lưu nghệ thuật trên quảng trường Đại phật tượng, các trò chơi dân gian truyền thống.

Lễ hội Khán hoa mẫu đơn là một trong những lễ hội diễn ra với quy mô lớn, sớm nhất tỉnh Bắc Ninh. Việc tổ chức lễ hội nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi trong nhân dân, khơi dậy lòng tự hào của nhân dân địa phương về di sản văn hóa; đồng thời cổ vũ động viên nhân dân thi đua yêu nước, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Hội Phật Tích đã tồn tại và phát triển hàng nghìn năm, gắn liền với ngôi chùa Phật Tích có bề dày lịch sử và chiều sâu tâm linh, nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam với câu chuyện tình cảm động Từ Thức gặp tiên.


Theo huyền thoại: Xưa kia, vùng núi Phật Tích và vườn chùa Phật Tích trồng nhiều hoa mẫu đơn. Hàng năm, mỗi khi xuân về hoa mẫu đơn nở đỏ rực cả một góc trời. Khắp nơi, người người đổ về đây trảy hội ngắm hoa vãn cảnh chùa. Trên trời, nàng tiên Giáng Hương thấy cảnh trần gian tuyệt đẹp, đã xin giáng trần dự hội chùa. Nhưng vô tình nàng đánh gãy một cành hoa mẫu đơn giữa cửa chùa, nên bị chú tiểu giữ lại. Chàng Từ Thức bèn cởi áo khoác xin chuộc tội cho nàng. Cảm động với nghĩa cử cao đẹp của chàng trai hào hoa phong nhã, nàng Giáng Hương đã ngỏ lời hò hẹn với chàng và đã mời chàng về chốn “bồng lai” xin kết duyên vợ chồng. Từ đó câu chuyện tình thơ mộng “Từ Thức gặp tiên” đã sống mãi với lễ hội Khán hoa mẫu đơn của chùa Phật Tích.

Chùa Phật Tích có tên chữ là Vạn Phúc Tự, là nơi các nhà sư từ Ấn Độ đặt bước chân đầu tiên đến truyền dạy đạo phật vào nước ta rồi xuôi theo dòng sông Dâu về vùng Luy Lâu lập nên trung tâm phật giáo đầu tiên ở nước ta. Đến thời Lý, chùa Phật Tích được xây dựng thành đại danh lam thắng cảnh và tiếp tục được trùng tu tôn tạo phục vụ các vua đến tham quan chùa Phật Tích, ngắm cảnh. Tuy nhiên đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, giặc pháp chiếm đóng và phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại một số di vật, cổ vật có giá trị như bia đá, vườn tháp, hàng linh thú đá, tượng Phật A di đà bằng đá từ thời Lý, được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia năm 2012. Năm 1962, chùa Phật Tích được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến ngày 31/12/2014, chùa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.